"Ai về xứ Bắc ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long"
(Huỳnh Văn Nghệ)
Những niềm cảm xúc theo dòng lịch sử của bao thế hệ từ "anh Hai Trầu"-Nguyễn Nhạc cho tới người chiến sĩ - thi sĩ Huỳnh Văn Nghệ, những con người lịch sử đã phần nào cho thấy tình thương của ông cha với mảnh đất thân thương "miền Nam". Cũng theo tác giả, theo thời gian với gia đình miền Nam, trọng trách gánh vác chăm nom gia đình, và phụng dưỡng cha mẹ thường dành cho con út, một điều rất dễ thương nhưng cũng không đơn giản vì "giàu út ăn, khó út chịu".
P/S: Một ngày tự nhiên tôi thấy nếu tiếng bắc không có dấu thì ba và bà giống nhau quá, liệu có phải thế mà tiếng bắc gọi là bố và bà, còn trong nam sẽ là ba và nội hay ngoại (trong nam gọi ông nội và bà nội là sao ta cả hai đều là nội à?)
Nguyên văn Bài đăng trên báo Cà Mau online:
Tại sao người miền Nam gọi anh Cả là “anh Hai”?
Ngôn ngữ là loại hình văn hoá phi vật thể, phản ánh văn hoá vùng, miền rất rõ nét. Cách xưng hô “anh Cả” ở miền Bắc so với “anh Hai” ở miền Nam là điển hình.
Ngôn ngữ là loại hình văn hoá phi vật thể, phản ánh văn hoá vùng, miền rất rõ nét. Cách xưng hô “anh Cả” ở miền Bắc so với “anh Hai” ở miền Nam là điển hình.
Rất nhiều người đặt câu hỏi tại sao người miền Nam gọi “anh Cả”, “chị Cả” (người con trưởng, theo cách gọi miền Bắc) là “anh Hai”, “chị Hai”? Ðây là một hiện tượng văn hoá có thể lý giải từ phương pháp tiếp cận liên ngành: ngôn ngữ học, khoa học lịch sử, văn hoá dân gian…
Chữ “cả” trong tiếng Việt có nghĩa là lớn, to lớn (cả giận, cả gan, cả vú lấp miệng em, ao sâu nước cả…), còn có nghĩa khác là tất cả, bao gồm (cả lớp, cả nhóm, cả đời…). Người miền Bắc gọi “anh Cả”, “chị Cả” nghĩa là anh lớn, chị lớn, người được sinh ra đầu tiên trong gia đình. Trong khi đó, người miền Nam không gọi “anh Cả”, “chị Cả” mà gọi là “anh Hai”, “chị Hai”. Hiện tượng này đến nay có một số cách hiểu phổ biến như sau:
Cách hiểu thứ nhất có nguồn gốc từ nguyên tắc “tứ bất” (bốn không) của triều Nguyễn: “bất thiết Tể tướng, bất thủ Trạng nguyên, bất lập Hoàng hậu, bất phong Ðông cung”, nghĩa là các vua triều Nguyễn không đặt chức Tể tướng, trong thi cử không lấy đỗ Trạng nguyên, không lập Hoàng hậu và không phong Ðông cung Thái tử. Trong đó việc không lập Hoàng hậu và Ðông cung Thái tử vì cho rằng vua Gia Long vì tiếc thương người vợ là Tống Thị Lan và con trai cả là Nguyễn Phúc Cảnh (Hoàng tử Cảnh) nên dành vị trí này để tưởng nhớ người đã mất, từ đó trong dân gian không ai dám gọi con lớn là con cả.
Cách hiểu thứ hai cho rằng liên quan đến yếu tố kiêng kỵ, kỵ huý, do trùng với cách gọi “Hương Cả” là một chức vụ đứng đầu ở làng, xã thời Pháp thuộc. Năm 1904, để quản lý các địa phương ở Nam Kỳ, thực dân Pháp cho thành lập Hội đồng Hương chức (Hội đồng xã, còn gọi là Ban Hội tề) gồm 12 chức vụ: Hương Cả, Hương Sư, Hương Chủ, Hương Trưởng, Hương Chánh, Hương Giáo, Hương Quản, Hương Bộ, Hương Thân, Xã Trưởng, Hương Hào và Chánh Lục Bộ. Trong đó Hương Cả là chức vụ cao nhất. Người dân không dám gọi con trai lớn của mình là “thằng Cả” vì sợ phạm thượng.
Cách hiểu thứ ba từ tâm lý sợ cọp, có rất nhiều câu chuyện kể về việc những lưu dân thế hệ trước bị cọp bắt, cọp vồ ở khắp các vùng đất Nam Bộ như: Ðồng Nai, An Giang, Cà Mau… Những người con trưởng, con cả trong gia đình bị cọp ăn thịt dẫn đến nỗi sợ hãi trong dân gian, không dám gọi con trưởng là con cả vì sợ xui rủi; thậm chí gọi cọp là “Hương Cả cọp” (có thể còn hàm ý mỉa mai bọn Hương chức Hội tề hung dữ như cọp). Giả thuyết này không mấy thuyết phục vì đối tượng bị cọp vồ rất nhiều, không phân biệt con trưởng hay con thứ…
Trong quá trình nghiên cứu văn hoá dân gian ở miền Trung, người viết tìm được chứng cứ khác có thể xác định cách gọi “anh Hai” đã có trước thời Khởi nghĩa Tây Sơn (năm 1771), lúc đó Nguyễn Nhạc (là anh cả trong ba anh em: Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ, Nguyễn Lữ) đã được Nhân dân địa phương gọi là “anh Hai Trầu”. Trong cuốn “Lễ hội Việt Nam”, bài Lễ hội Quang Trung, các tác giả Lê Trung Vũ, Lê Hồng Lý cũng xác định: “Tại làng Kiên Mỹ còn di tích Bến Trầu - nơi tương truyền ngày xưa Nguyễn Nhạc thường đưa trầu từ phía thượng nguồn về bán ở vùng An Thái, An Nhơn… cho nên Nguyễn Nhạc còn có tên là anh Hai Trầu”.
Như vậy các giả thuyết liên quan đến triều Nguyễn (từ năm 1802) hay thời Pháp thuộc (từ năm 1858) là không thuyết phục, vì cách gọi “anh Hai” thay cho “anh Cả” đã xuất hiện từ trước năm 1771.
Ngược dòng lịch sử, trở lại thời chúa Tiên Nguyễn Hoàng cùng với binh sĩ, tuỳ tùng và Nhân dân ở một số địa phương miền Bắc vào khai phá vùng đất phương Nam, có thể giả thuyết cách gọi “anh Hai” xuất phát từ thời kỳ này. Sử sách ghi rằng trong đoàn quân Nam tiến lúc đó, hầu như không có ai là “anh Cả”, vì xác định công cuộc “mang gươm đi mở cõi” là “sinh ly, tử biệt” nên các gia đình phải để người con trưởng ở lại để phụng dưỡng cha mẹ và chăm sóc mộ phần tổ tiên; những người ra đi đều là con thứ, kể cả Nguyễn Hoàng cũng là con trai thứ.
Về sự kiện này, sách “Ðại Việt sử ký toàn thư”, quyển XVI, có chép: “Tháng 10 (Mậu Ngọ, tức năm 1558), Thái sư Trịnh Kiểm vào chầu, dâng biểu xin sai con thứ của Chiêu Huân Tĩnh công là Ðoan quận công Nguyễn Hoàng đem quân vào trấn thủ xứ Thuận Hoá để phòng giặc phía đông cùng với Trấn quận công ở Quảng Nam cứu viện cho nhau. Mọi việc của xứ này, không cứ lớn hay nhỏ, và các ngạch thuế đều giao cả cho, hằng năm đến kỳ hạn thì thu nộp”.
Sách “Việt Nam sử lược” của Trần Trọng Kim (1919) cũng ghi: “Ông Nguyễn Kim có hai người con là Nguyễn Uông và Nguyễn Hoàng cũng làm tướng lập được nhiều công. Người anh là Nguyễn Uông được phong làm Lang quận công, người em là Nguyễn Hoàng được phong là Thái uý Ðoan quận công. Nhưng vì Trịnh Kiểm sợ họ Nguyễn tranh mất quyền mình, bèn kiếm chuyện mà giết Nguyễn Uông đi. Còn Nguyễn Hoàng cũng sợ Trịnh Kiểm có ý ám hại, chưa biết làm thế nào mới ra Hải Dương hỏi ông Nguyễn Bỉnh Khiêm. Ông ấy bảo rằng “Hoành sơn nhất đái, vạn đại dung thân” (nghĩa là một dãy Hoành Sơn (chỗ đèo Ngang, Quảng Bình) kia có thể yên thân được muôn đời).
Nguyễn Hoàng mới nói với chị là bà Ngọc Bảo (vợ Trịnh Kiểm) xin Trịnh Kiểm cho vào trấn phía Nam. Năm Mậu Ngọ (1558) đời vua Anh Tông, Trịnh Kiểm mới tâu vua cho Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá. Bấy giờ những người họ hàng ở huyện Tống Sơn cùng những quân lính ở đất Thanh, Nghệ nhiều người đưa cả vợ con theo đi…”.
Nhiều thế hệ cư dân miền Bắc vào Nam khai phá theo chính sách của Nguyễn Hoàng đã ý thức được công cuộc tha hương sẽ khó có ngày quay trở lại. Vì vậy, những người dân Nam tiến này đều là những “anh Hai”, “anh Ba”… Vì cuộc mưu sinh trên vùng đất mới, vì muốn thoát khỏi sự trói buộc của luật lệ phong kiến khắt khe, họ phải ra đi nhưng trong lòng vẫn canh cánh nhớ về quê cha đất tổ.
Thi tướng Huỳnh Văn Nghệ trong bài thơ “Nhớ Bắc” (viết năm 1940) có những câu thơ diễn tả tâm trạng này:
“Ai đi về Bắc ta theo với
Thăm lại non sông giống Lạc - Hồng
Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Ngàn năm thương nhớ đất Thăng Long”
Ðể tưởng nhớ quê hương, các thế hệ dân cư miền Nam đã giành vị trí “anh Cả” cho những người còn lại ở đất Bắc, nên những người con trưởng sau này được gọi là “anh Hai”, “chị Hai”, lâu dần thành thói quen, thành phong tục, thành truyền thống đạo lý của dân tộc.
Hiện tượng này có nguyên nhân từ truyền thống Nho học và đạo lý xem trọng chữ Hiếu, người con trai cả có vai trò rất lớn trong gia đình: “quyền huynh thế phụ”, khi cha mẹ mất thì người anh cả có trách nhiệm gánh vác việc gia đình, thờ cúng tổ tiên, nuôi dạy các em nên người… Khi cha mẹ còn sống cũng không được đi xa “Phụ mẫu tại, bất khả viễn du”.
Cũng cần nói thêm rằng, người dân miền Nam đã sáng tạo rất nhiều từ những “giá trị văn hoá” gốc của miền Bắc, việc gánh vác gia đình, phụng dưỡng tổ tiên của cư dân miền Nam không còn là vị trí độc tôn của người con trưởng, mà thường giao người con út. Từ đó có quan niệm “giàu út ăn, nghèo út chịu”. Người con út trở thành trụ cột trong gia đình, lo phụng dưỡng cha mẹ già, thờ cúng tổ tiên; nhiều người thứ út cũng được đặt tên Út, thậm chí còn sáng tạo: Út Tám, Út Chín, Út Mười, Út Thêm, Út Nữa, Út Chót, Út Hết…
Liên quan đến cách xưng hô của người miền Nam còn có cách gọi theo thứ của người đối diện, thể hiện thái độ tôn trọng, tránh gọi tên thật, nhất là đối với người lớn tuổi. Ví dụ, người ta thường gọi: chú Hai, chú Ba, chú Út… hoặc anh Hai, anh Ba, anh Tư… Ðây có lẽ là sáng tạo của người miền Nam do ảnh hưởng văn hoá ứng xử phương Tây trong những năm bị thực dân Pháp, đế quốc Mỹ cai trị, người phương Tây thường gọi họ trong giao tiếp (ông Nguyễn, ông Trần…) để thể hiện sự tôn trọng, thay vì gọi tên (Nguyễn Văn A, Trần Văn B; ông A, ông B…).
Ngôn ngữ trong đời sống của người miền Nam đã trải qua quá trình lịch sử, giao lưu, tiếp biến văn hoá hàng trăm năm, xét dưới góc độ văn hoá là “đặc sản” của địa phương, thể hiện bản sắc văn hoá vùng miền, góp phần làm cho nền văn hoá Việt Nam thêm phong phú, đa dạng nhưng đậm đà bản sắc dân tộc./.
Nhớ Bắc |
Ai về Bắc, ta đi với
Thăm lại non sông giống Lạc Hồng
Từ độ mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long.
Ai nhớ người chăng? Ôi Nguyễn Hoàng
Mà ta con cháu mấy đời hoang
Vẫn nghe trong máu buồn xa xứ
Non nước Rồng Tiên nặng nhớ thương!
Vẫn nghe tiếng hát trời quan họ
Xen nhịp từng câu vọng cổ buồn
Vẫn nhớ, vẫn thương mùa vải đỏ
Mỗi lần man mác hương sầu riêng...
Sứ mạng ngàn thu dễ dám quên
Chinh Nam say bước quá xa miền,
Kinh đô nhớ lại xa muôn dặm!
Muốn trở về quê, mơ cánh tiên.
Ai đi về Bắc xin thăm hỏi
Hồn cũ anh hùng đất Cổ Loa
Hoàn Kiếm hồn xưa Linh Quy hỡi
Bao giờ mang kiếm trả dân ta?
(Huỳnh Văn Nghệ, 1940)
(nguồn: huongquenha.com)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét